Bài này dành cho anh em nào cũng đang đi tìm kiếm một cái màn hình chỉ sử dụng kết nối USB-C để dùng với máy tính của anh em (thường là laptop, nhưng desktop thì cũng vô chung tụ nhé). Việc chỉ dùng 1 sợi cáp duy nhất để nối màn hình và máy tính sẽ giúp bạn có không gian làm việc gọn gàng hơn, khi cần gỡ ra gắn vào thì cũng tiện và nhanh hơn thay vì phải dùng 1 sợi cáp nguồn + 1 sợi cáp hình ảnh + 1 sợi cáp data như màn hình truyền thống.
Anh em nào lười coi chữ thì xem video này cũng được nhé
Một xíu tóm tắt lý thuyết
Cổng USB-C trên các thiết bị hiện đại, dù là laptop, desktop hay tablet và smartphone, đều có thể truyền dữ liệu, cái này là mặc định và luôn đúng.
Tuy nhiên, không phải thiết bị nào có cổng USB-C thì cũng xuất được hình ảnh ra màn hình ngoài. Để xuất được hình ảnh, cổng USB-C đó cần hỗ trợ truyền tín hiệu (và có thể là âm thanh nữa) qua giao thức DisplayPort (DP). Tính năng này không phải là tính năng bắt buộc, tùy nhà sản xuất có thể chọn hỗ trợ DisplayPort hoặc không để tiết kiệm chi phí.
Tương tự, không phải cứ có cổng USB-C trên laptop thì bạn có thể dùng cổng này để sạc. Có những chiếc laptop không hỗ trợ tính năng sạc qua cổng USB-C, bạn vẫn phải dùng cục sạc riêng của nhà sản xuất. Những laptop có hỗ trợ sạc USB-C sẽ sử dụng một cấu hình gọi là USB Power Delivery (USB PD).
Chưa hết, có máy hỗ trợ sạc qua cổng USB-C nhưng cổng đó lại không xuất được hình ảnh, và ngược lại.
Ngoài ra máy bạn có thể có cổng USB-C, nhưng nó còn được gắn logo Thunderbolt hoặc có ghi chữ Thunderbolt 3, thì lúc đó cổng này đương nhiên hỗ trợ sạc + xuất hình ảnh rồi nhé (bên cạnh việc truyền dữ liệu với băng thông lớn).
Máy tính của bạn có hỗ trợ đầy đủ chức năng của USB-C không?
Đây là điều quan trọng bạn phải kiểm tra đầu tiên, vì nếu vác một cái màn hình thật xịn về mà nó lại không chơi được cổng USB-C của máy bạn thì hóa ra lại phí.
Bạn cần kiểm tra và chắc chắn rằng cổng USB-C trên máy tính của bạn phải hỗ trợ cả 2 thứ sau:
- Hỗ trợ sạc qua cổng USB-C (USB Power Delivery, USB PD)
- Hỗ trợ xuất hình ảnh qua cổng USB-C
Hoặc nếu máy tính của bạn có cổng Thunderbolt 3, Thunderbolt 4 thì mặc định nó đã có 2 tính năng trên.
Để kiểm tra được 2 tính năng truyền hình ảnh và sạc qua cổng USB-C, cách dễ nhất là bạn lên Google, tìm theo cú pháp "<tên hãng / tên model máy của bạn> USB C Display Function". Mình có tìm được vài đường link ví dụ, mời anh em tham khảo. Còn không thì anh em nhìn logo cũng được, mình có ghi trong hình trên.
- Chỉ dẫn của Asus về kí hiệu, tên gọi của cổng USB-C và có hỗ trợ xuất hình ảnh hay không
- Chỉ dẫn của HP về cổng USB-C, có khả năng xuất hình và có thể sạc hay không
- Hướng dẫn của Dell về việc kiểm tra xem cổng USB-C trên máy của bạn có xuất được hình ảnh hay không
- Mình không tìm thấy chỉ dẫn của Acer, anh em nào có link thì cho mình xin nhé
- Chỉ dẫn và kí hiệu của laptop MSI về cổng USB-C
- Lenovo thì không có trang chung, họ có trang hướng dẫn cho từng dòng máy, ví dụ đây là web cho dòng ThinkPad X1
- Với MacBook và iMac, Mac Mini: MacBook từ 2015 trở về sau, có cổng USB-C thì hỗ trợ vừa sạc vừa xuất hình ảnh và data, anh em không phải nghĩ nhiều. Riêng với Mac Mini và iMac, tuy có cổng USB-C nhưng vẫn phải cắm nguồn riêng, sợi USB-C chỉ dùng cho data và hình ảnh thôi.
Các lưu ý khi lựa chọn màn hình USB-C
Màn hình phải hỗ trợ xuất hình ảnh + data + sạc qua cổng USB-C
Để biết màn hình có hỗ trợ “full combo” không, cách dễ nhất là bạn xem cấu hình của màn hình hoặc hỏi nhà sản xuất, hỏi nơi bán để có thêm thông tin. Nhưng cũng cảnh báo một xíu với anh em, là các màn hình hỗ trợ full combo này thì thường đắt hơn so với các màn hình bình thường nhé. Phải hỗ trợ đầy đủ thì mới chơi được theo kiểu 1 sợi dây duy nhất, chứ không thôi bạn vẫn phải cắm nhiều dây đó.
Công suất sạc của cổng USB-C trên màn hình là bao nhiêu?
Thông số này cũng thường được ghi trên website của hãng, bạn có thể tra cứu dễ dàng. Thông số này quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng đến tốc độ sạc laptop của bạn, cũng như đến hiệu năng của máy.
Ví dụ, MacBook Pro 16" 2019 của mình cần dòng sạc 93W trong khi màn hình LG USB-C của mình chỉ hỗ trợ sạc 60W thôi. Thế nên khi sạc thì nó không nhanh như sạc bằng cục sạc đi kèm của Apple. Ngoài ra, khi chạy nặng, sợi USB-C có thể không đủ để cấp nguồn cho máy chạy ổn định nên hiệu năng có thể bị thấp hơn so với khi dùng nguồn rời (thấy rõ nhất là khi xuất video 4K nặng, hoặc khi build app trong Xcode). Với các tác vụ bình thường thì không phải lo, không nhận thấy sự khác biệt rõ ràng.
Một ví dụ khác, MacBook Pro 13" dùng dòng sạc 60W, nếu dùng với màn hình LG 60W của mình thì nó cấp đủ điện nên sẽ không bị giảm hiệu năng.
Tìm một cái màn hình với công suất sạc gần nhất với chiếc laptop của bạn là ổn.
Những yếu tố khác cần quan tâm
Những yếu tố này thì tương tự như các màn hình bình thường:
- Kích thước và độ phân giải (mình thì thích 27" 4K trở lên cho rộng rãi 😁)
- Thời gian phản hồi (response time, càng ít càng tốt nhưng ít quá thì có thể mắc tiền không cần thiết)
- Tần số quét (60Hz là đủ cho nhu cầu bình thường, chơi game hoặc thích mượt thì lên 144Hz, nhưng sẽ đắt hơn)
- Thiết kế, ngoại hình của màn hình, viền màn hình có mỏng đẹp hay không
- Có thêm các cổng USB mở rộng hay không (USB Hub)
- Chất lượng màn hình, hình ảnh…
Những thứ này mình sẽ không đề cập trong bài này vì nó có rất nhiều thứ cần phải kể.
Nguồn: tinhte.vn
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.